Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Định cư ở Mỹ : Được và mất gì ?

Giấc mơ Mỹ : Nhiều bạn trẻ Việt Nam ôm mộng sang Mỹ học tập và định cư. Tuy nhiên liệu đây có phải là cuộc sống như mơ mà các bạn mong chờ?

Xin giới thiệu 1 bài viết về Định cư Mỹ mà 1 người bạn chia sẻ


Hiện nay tôi đi làm culi trong hãng Mỹ, một giờ được 6-8 USD từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm, nhưng tôi cảm thấy cuộc sống mình cũng vui vẻ khi nhìn thấy hai đứa con tôi tung tăng đi học và tôi biết chắc chắn rằng các cháu sẽ thành đạt. 

Thời gian qua có nhiều ý kiến đóng góp và tranh luận về vấn đề nên đi hay ở lại Việt Nam cho những trường hợp ra nước ngoài, nhất là đi Mỹ. Tôi xin phép được viết một bài về vấn đề này.

Mong các bạn đóng góp ý kiến nếu có chỗ nào chưa đúng, để bản thân tôi rút kinh nghiệm và làm cho vấn đề đi hay ở thêm phong phú.

Định cư ở Mỹ có thực sự hạnh phúc?
Hiện tôi 51 tuổi, định cư Mỹ được một năm. Trước khi đi tôi là kỹ sư trưởng phòng trong một Tổng công ty thuộc Bộ. Tuy chức vụ bé xíu nhưng trong công ty, tôi chỉ dưới 3 người và trên 12 người. Tôi có hai căn nhà nội thành (Quận 1 và 3) - một để ở, một cho thuê. Tôi cũng đi công tác và du lịch một số nước. Vợ tôi làm kế toán cho công ty liên doanh. Tổng thu nhập hàng tháng khoảng 2500 USD (không tính khoản đột xuất).

Trước khi có hồ sơ phỏng vấn ở Lãnh sự Mỹ, tôi cũng rất phân vân. Bạn bè, người thân, cả cha mẹ tôi (vì tôi đi theo bên vợ) đều khuyên tôi nên ở lại Việt Nam. Sau khi suy nghĩ thận trọng và cân nhắc được gì và mất gì cho bước ngoặt của cuộc đời, tôi quyết định ra đi. Và hiện nay đối với tôi thì:

- Tôi mất đi công việc rất tốt mà nhiều người mơ ước và cuộc sống của một gia đình trung lưu ở Việt Nam.

- Tuổi đã chớm già mà phải làm lại từ đầu - đây là điều vô cùng khó khăn.

- Xa những người thân yêu (Cha mẹ, anh chị em và bạn bè thân thiết) cùng những sinh hoạt hằng ngày làm mình rất nhớ khi ra đi.

<

Và tôi được gì khi định cư ở Mỹ?


- Hai đứa con (một trai, một gái) được học hành trong nền giáo dục đại học hàng đầu thế giới. Một cháu học ngành máy tính, một cháu học dược sĩ được chính phủ hỗ trợ tài chính (hỗ trợ học phí và cho vay không lấy lãi) cho đến khi tốt nghiệp (đây là chính sách chung của nước Mỹ). Tôi không phải lo lắng gì về tiền bạc cho các cháu học hành.

- Tôi được những thứ nếu có nhiều tiền ở Việt Nam cũng không thể mua được, đó là môi trường sống tốt như không khí, nước... không bị ô nhiễm, không phải lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Về giáo dục ở Mỹ nếu cố gắng học hành dù gia đình thu nhập thấp vẫn được chính phủ giúp đỡ. Về y tế không phân biệt đối xử người có tiền hay không có tiền, khi vào bệnh viện chữa trị ai cũng như nhau. Cơ sở hạ tầng và ý thức chấp hành luật lệ giao thông của mỗi người rất tốt, ra đường không sợ tai nạn giao thông rình rập. Con người được tự do sáng tạo, luật lệ rõ ràng. Đặc biệt là xã hội Mỹ luôn tạo ra cơ hội đồng đều cho mọi người vươn lên tùy theo năng lực của mỗi người, nếu biết cố gắng học tập và làm việc.

Tôi viết bài này vì tôi thấy nhiều người Việt trên diễn đàn đang sống ở Việt Nam hay Mỹ thường đứng trên quan điểm vật chất là tiền bạc để đánh giá cuộc sống bên nào tốt hơn, mà quên rằng con người sống trong xã hội nào đi nữa thì ngoài tiền bạc còn có những giá trị tinh thần mà nếu thiếu đi thì cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa và buồn chán, cho dù ta có rất nhiều tiền.

Hiện nay tôi đi làm (culi) trong hãng, một giờ được 6-8 USD từ 6 giờ sáng đến 10-11 giờ đêm, nhưng tôi cảm thấy cuộc sống mình cũng vui vẻ khi nhìn thấy hai đứa con tôi tung tăng đi học và tôi biết chắc chắn rằng các cháu sẽ thành đạt nếu các cháu cố gắng học tập. Tôi không đặt nặng vấn đề qua Mỹ để tìm cơ hội mà vì tương lai của con tôi nên tôi cảm thấy thanh thản và tự giải đáp rằng trong cuộc sống cái gì cũng có cái giá của nó, và cũng như không có cái gì là "ngon, bổ, rẻ'' cả. Vấn đề khi đã chọn thì phải chấp nhận để mà vui sống.

Rất mong nhận được sự đóng góp của các bạn về vấn đề định cư ở Mỹ - được và mất gì mà tôi đã chia sẻ, trên tinh thần xây dựng.

(Lucky đăng trên Vnexpress ngày 5/10/2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét